Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

245. MÙA THU- MÙA HOA CÚC.

 Hôm qua trời mưa. Đêm qua trời mưa. Bữa trước cũng mưa. Hôm nay cũng mưa, coi như từ sáng đến giờ đều có mưa, chợt đến rồi chợt đi, mưa đủ ướt áo. 

Hoa Cúc nở gặp mưa, cánh hoa đẩm nước, cành hoa không đủ sức để đứng thẳng. Nhìn hoa Cúc mắc mưa xót ruột ghê. Chưa kịp nhìn ngắm thì hoa đã chớm tàn.

Mà không hiểu sao mưa chỉ xuất hiện khi bông Cúc bung cánh? Đã bị mắc mưa mà còn bị mưa dầm.

Năm nay vắng hoa cúc vàng. Chỉ còn cúc tím và cúc "màu đột biến". Bù lại được thêm cây cúc mới màu trắng ngả tím phớt, Hôm thấy cây cúc con mà lá lớn, mừng lắm vì tưởng đó là cây cúc 'xơ mít' màu vàng nghệ.

Cây Cúc xơ mít màu vàng nghệ cao lắm. Do để đất ngập nước nên nó chết. May là có thử giâm cành nhưng để lẩn lộn với mấy loại cúc khác. Mùa rồi không thấy bông nên không biết giâm cành có thành công hay không.


Hôm nay thấy bụi cúc tím lại có bông màu tím đậm so với các bụi cúc đang nở bông. Bụi cúc này hôm trước tưới nước rửa củ dền và nước củ dền luộc ăn thừa.

Nay, bụi bông cúc tím giâm cành đã nở bông màu tím đậm (hình bên dưới) - đậm hơn bông của bụi được cắt cành giâm (hình trên). Không biết nước củ dền có ảnh hưởng đến màu sắc của bụi cúc này không. (xem ở góc trái bên dưới của hình 1 sẽ thấy mấy bông cúc này)


Ngay cả bông cúc màu 'lạ' ở phía tưới nước củ dền cũng đậm hơn so với bông ở bụi cúc trong hình 1 (hình 1 là nhánh cúc tòi ra từ bụi cúc tím (đã nói trong bài 234. HOA CÚC VÀ SẮC MÀU. Được bứng trồng ở gốc cây tắc, nó ăn NPK của cây tắc nên tốt quá chừng, bông rậm như rừng.

TRỒNG VÀ CHĂM SÓC: Hoa cúc trong sân nhà tôi trồng là loại cúc ít tốn công chăm sóc. 
- Chỉ cần tránh trồng nơi không thoát nước và quá khô hạn.
- Chỉ cực vì phải cột cho nó không bị ngả rạp khi mang nhiều bông và cắt bỏ các cành sau mỗi mùa bông (cát gần sát đất các cành cao, cành hóa gỗ)
- Không để đất khô ran nhưng tưới nhiều nước quá nhiều, lá có thể bị rỉ sét và nổi những mụn nhỏ màu vàng. Cắt bỏ các lá bị ảnh hưởng để tránh lây lan.
- Hoa cúc hay bị rầy đen đeo ở ngọn, cọng mang nụ bông, dưới mặt lá. Mùa này tôi dung dịch trừ ruồi muỗi, thấy có kết quả.
- Bón phân: do tôi tròng ké với cây bưởi, cây tắc nên đám cúc tốt lắm có thể nó ăn ké phân bón Citrus foods.


Đám cúc tím này không biết có trong sân nhà Má tôi đã bao lâu nhưng nó về nhà tôi đã mấy mươi năm.
Với tôi nó là cúc "cổ" và là cúc mang nhiều kỷ niệm về Má tôi nên dù bị càm ràm nó rậm rạp nhưng tôi luôn bảo vệ không cho nhổ và nhân giống trồng đầy sân.

Hôm nay nếu không mưa tôi sẽ 'lái xe lửa' đi Bunnings để tìm bông cúc trắng về dâng tặng Má tôi.


Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

244. CHUYỆN TRỒNG CÂY KHẾ

 Đó là cây khế gieo từ hột được bà sui cho. (09/3/2020)

Lúc đó bận & bịnh nên cả tháng sau mới trồng ra chậu lớn hơn và để chậu ở dưới mái che nhận nắng tới trưa. (12/4/2020)

Từ chậu nhỏ xíu trồng vào chậu lớn cho tới ngày được trồng ra dất cây khế đã cao hơn đầu người.
Do ở đây có con ruồi trái cây, bất kỳ trái gì - kể cả trái bưởi, trái chanh dây đều bị ruồi trái cây chích không ăn được. Vì vậy lần này trồng cây khế ra đất các nhánh được bẻ co tối đa so với lúc ở mái hiên, để dễ bao toàn cây.
Đã 4 năm mà cây khế chưa có bông (chưa kể thời gian gieo hột và trồng trước khi cây khế đến nhà này).

Hỏi Thầy Cô cũ thì được dạy rằng "phải cắt tỉa bớt nhánh, chú ý cắt bỏ các cành vượt*, cắt ngọn" - người đã cho cây khế năm 2015, nay cây khế đó đã không còn vì không biết tính ý của nó.
*cành vượt: là cành mọc đứng thẳng.
Cây khế sau khi được tỉa bớt. Đã bị cắt bỏ hết các lá già. Và được 'dỗ dành" bằng 1 nắm NPK.
Cái ngọn được chừa để chiết nên còn y. Các cành được rộng nước để thử xem có thể giâm cành được hay không.

Chào quý bạn, hẹn sẽ ghi tiếp tình hình cây khế mới trồng và lý do vì sao cây khế cũ bị chết.
Chúc quý bạn 1 ngày vui vẻ. Ở đây hôm nay mưa, 15 độ C, trời u ám nhìn đám bông cúc đẩm nước mưa xót ruột ghê.

.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

243. CÂY QUẾ MÙA ĐÔNG.

 Hôm nay 07/5/2024, mùa Thu còn 3 tuần nữa là bước sang mùa Đông. Rau đậu ở chợ lên giá vùn vụt.

Rau trong vườn chỉ Rau Răm và Giấp Cá, Ngò Gai còn giữ màu xanh. Te tua nhất là cây Quế _ không mọc thêm lá mà các lá từ gốc tới ngọn đều vàng. Màu vàng của lá bị bệnh.

Nhưng cây Quế ở nhà cô giáo cũ thì vẫn xanh tốt. Cô giáo nói "giống Quế này đặc biệt mùa Đông nó vẫn xanh tốt.





Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

242. NÓI VỀ HOA TUYẾT ANH.

Giàn hoa của bạn tôi nở trắng xóa vươn lên nền trời xanh đẹp mê ly luôn _hoa Mandevilla, loại mà trước đây tôi chỉ biết tên tiếng Việt là hoa Trang Đài, hoa Hồng Anh đỏ.

Cùng là Mandevilla nhưng bạn tôi nói tên tiếng Việt nó là hoa Tuyết Anh vì hoa của nó màu trắng. 

Tổng hợp lại những gì bạn tôi biết về hoa "Tuyết Anh'/ white mandevilla.

1/ Có 2 loại: 

- loại lá to, với những bông hoa hình loa kèn, bông hoa khá lớn _-/ đường kính lên tới 10 cm hoặc hơn -//với các màu sắc khác nhau (màu trắng, màu vàng, màu đỏ rực và đỏ thẫm.)

2/ Dạng nhỏ hơn thì có lá nhỏ hơn và hoa cỡ trung bình - đường kính khoảng 5–6cm.

Đây là loại lá nhỏ

Đây là lá của hoa màu hồng mà tôi đang giâm. 

2/ Đặc điểm:

-không thích hợp nơi quá lạnh, phát triển tốt nhất ở vùng khí hậu ôn hòa đến ấm áp. Tốt nhất là nơi có ánh nắng lấm tấm kèm bóng râm vào thời điểm nóng nhất trong ngày và đất ẩm, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt.

-thích phân chuồng ủ hoai mục.

-thích cắt tỉa để có nhiều chồi mọc, càng nhiều chồi thì càng có nhiều bông. 

-Dù là loại hoa lớn hay hoa nhỏ thì chúng đều ra bông hàng loạt nhìn rất mê.

-Dù là loại lá lớn hay nhỏ thì cành hoa đều mọc dài với lá mọc đối nhau và mọc khá xa nhau. Các cành này cứ vươn dài ra chứ không tìm cách để bám vào các điểm tựa hay trụ / giá đỡ. Nó cần sự giúp đỡ để đúng vững trên giàn hay trụ đỡ.

Đây là cây tôi giâm cành, nhìn hình thấy rõ rằng khoảng cách của các lá khá xa.

Tôi vừa uốn cành mọc vươn dài để ép nó mọc thành hình trụ.

Từ cây trồng bằng cành giâm đang có, tôi  dường như nếu cành không được quấn/ tựa vào giá thì chúng cứ vươn dài. 

Hôm cành giâm trong chậu này mọc dài ra hơn 1m tôi định cắt ngắn vì nghĩ cắt ngắn nó sẽ mọc tược nhưng vì không thể có chỗ cho nó leo thành giàn nên tôi muốn nó mọc thành hình ống (tôi quấn gần 3 vòng). Không ngờ khi được tựa vào vị trí vững chắc thì cứ mỗi nách lá đều mọc chồi non.... MAY là chưa cắt bỏ bớt, chứ không thôi phải tốn thời gian chờ chúng ra tược mới.

3/ Cách trồng &chăm sóc:
- Đất phải thoát nước tốt
- Phải được đầy nắng, có thể chịu được 1 phần bóng râm.
- Tốt nhất là ủ đất trước 1 thời gian rồi mới xúc đất đó đi trồng. Chất để ủ gồm phân hữu cơ + phân bò.
- Phủ lớp cỏ khô lên bề mặt của chậu để giữ ẩm cho đất nhưng không được phủ kín gốc.
- Cứ mỗi đầu mùa Đông là bón phân bò hoai mục hoặc đất đã ủ phân bò để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Có thể tưới thêm phân bón lỏng để kích ra hoa nhưng tránh bón quá liều.
- Đây là loại cây leo, sống khá nhiều năm nên cần có giàn để nâng đỡ.
- Muốn có nhiều bông phải cắt tỉa để khuyến khích chồi non mọc ra.
- Thời gian bón phân là giữa mùa Xuân và giữa mùa hè. Chỉ bón trong giới hạn cho phép ghi trong bao bì của phân bón để tránh cây phát triển quá mức mà giảm khả năng ra bông.
- Thời điểm cắt tỉa bớt những vào mùa Đông. Có thể cắt đến 1/2 của dây leo. Vết cắt ngay phía trên của cặp lá ( sẽ mọc ra 2 tược mới ở nách lá)
Trong những tháng ấm hơn, sẽ có nhiều dây leo phát triển quá dài, có thể cắt bớt nhưng ít thôi vì cắt bỏ như vậy sẽ giảm bông. Chú ý: khi cắt tỉa phải đeo găng tay và đeo kính bảo hộ vì nhựa của nó có thể gây kích ứng.


LINH TINH:

- Vậy bông màu đỏ thì chắc đặt tên là Hồng Anh chứ gì? - chồng tôi trêu.

-- Đúng vậy đó anh.! - bạn tôi đáp.

- Thấy kiểu bông đó y hệt bông Huỳnh Anh ở bên mình nhưng bông ở bên quê mình thì màu vàng. Chắc mấy tên gọi này có cùng một xuất xứ?- chồng tôi hỏi tiếp kiểu như trêu _ông ấy hay thích trêu.

Nào dè ông ấy rà trúng 'đài' nên bạn tôi nói huyên thiên.... trúng 'đài' nên tôi cũng hỏi lung tung.

Lâu nay biết hoa Mandevilla tiếng Việt gọi là hoa Trang Đài nay mới biết tiếng Việt phong phú nên còn có lắm tên tùy theo màu sắc của chúng (Tuyết Anh, Huỳnh Anh, Hồng Anh)


Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

241. CHUYỆN ĐI CHỢ TRỜI FLEMINGTON

 Hôm nay tôi đi chợ trời ở Flemington. Mục đích là đến chợ hoa để mua hoa tặng bà sui dịp Mother's Day _ đó dường như trở thành lệ -cứ mỗi lần họp mặt gia đình 2 bên dịp Mother's day 2 bà sui gia hay đem bông nhà trồng đến tặng nhau. Năm nay nhà hết bông nên phải đi mua.

CHỢ HOA

Hic... không tìm hiểu kỹ nên đến được chợ là người ta đã dọn chợ. Hỏi ra mới biết chợ này chỉ mở duy nhất ngày thứ bảy từ 5am đến 11am.

Chỉ còn vài chỗ có bông nhưng toàn là bông cắt cành.
Nhìn quang cảnh trống lổng, sàn xi măng rộng lớn nhưng vô cùng ẩm ướt, chỉ còn lác đác vài cái kệ đựng hoa mà méo xẹo. Uổng công đi.
Lúc trở ra may gặp 1 chỗ có bán bông trồng trong chậu _chỉ còn duy nhất 2 chậu giá $25, nên không còn sự chọn lựa nào cả. Trong ánh sáng mờ mờ thấy coi tạm được. Nhưng về tới nhà mới thấy bông đã sắp tàn. Không biết bông có còn chờ đến 12/5/2024 _ Mother's Day hay không.
chậu này dáng đẹp nhưng hoa đã nở, chắc không kịp đón Mother's Day


Vài nét về CHỢ TRỜI Flemington.

Chợ Flemington hoặc Chợ Tây Homebush) là chợ bán sĩ và bán lẻ ở Sydney, New South Wales, Úc. Chợ Sydney nằm ở vùng ngoại ô Nội Tây của Flemington, New South Wales, cách khu thương mại trung tâm Sydney 16 km về phía tây.

Chợ là chợ trung tâm để nông dân Sydney bán sản phẩm của họ. Chợ có từ năm 1788. Chợ này bán đủ thứ_ từ bán trái cây đến rau, cá, quần áo, quà tặng & đồ lưu niệm cho và cả những vật dụng & quần áo đã xài qua. Chỉ mở cửa ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật nhưng giờ mở và đóng cửa mỗi ngày mỗi khác nhau.(thứ 6 từ 10am đến 4:30pm; thứ 7 từ 6am đến 2pm; chủ nhật từ 9am đến 4:30pm)

[nhờ hôm nay đi trể về không nên mới tìm hiểu để biết giờ mở cửa]

đây là quang cảnh phía bên ngoài. 

Bên trong rộng lắm nhưng không được sáng lắm nên không chụp hình.

Chợ hoa là điểm cung cấp hoa chính cho những người bán hoa ở Sydney. Chỉ mở cửa từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa.

Gọi là chợ trời vì y như chợ trời_hàng hóa bày lung tung, trên sạp có, dưới đất có... và đặc biệt là người bán rao hàng in ỏi, người mua có thể trả giá để mua. Nghe người ta rao hàng mà thương _ kiếm được đồng tiền rát cổ họng, đổ mồ hôi, nhọc nhằn hết biết.

CƯỜI mà cái miệng MÉO XẸO 

Do không tin tưởng cái bộ nhớ nên  phải đợi ông xả thức dậy để rủ ổng cùng đi, chứ đi 1 mình sợ đi lạc.

Ông từ chối không đi nên phải nấu cơm để sẵn rồi mới đi. Ra khỏi nhà là 10:30 sáng. Kịp chuyến xe lửa 10:48 nhưng phải đổi ở trạm Lidcombe.

Tới chợ, quên không nhớ lối nào để vào chợ hoa. Đã đi tới cái bảng rồi mà nhìn quang cảnh thấy lạ, nghĩ là đi lạc nên quay trở lại. Vừa đi vừa hỏi đường nên tới chợ bán bông người ta đã dọn chợ.

Mua được 2 chậu bông, lượm được 3 cành bông cúc gồm 2 cành bông màu trắng, 1 cành không biết màu gì &loại gì và 1 cành cẩm nhung màu trắng ngà.

Sau hồi đi lạc vào khu vực bán đồ cũ thì lại đi lạc tiếp lên tận bãi đậu xe chót vót (báo hại trèo cầu thang mỏi chân hoa mắt luôn.

Lại leo xuống hỏi đường thì bị trêu, mấy ông đi chợ vui tính nên chỉ lung tung, nhờ hỏi người bán hàng mới tìm được lối ra trạm xe lửa.

Giả biệt chợ trời nhé. Không hẹn tái ngộ rồi. Hôm nay mệt quá xá. Dù vậy vẫn ráng trồng mấy nhánh bông cúc lượm trong chợ. Hy vọng thành công mong manh, sợ không hợp với thổ nhưỡng và thời tiết vì có lẽ loại bông cúc này trồng ở đâu đó chở đến chứ tôi chưa từng thấy bán cây cúc loại này ở chỗ bán hoa kiểng mà tôi có tới.



Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

240. GIÂM CÀNH HOA ĐỖ QUYÊN (tiếp theo)

Trưa nay ở đây mưa khá lớn nhưng chỉ trút nước rào rào một chút là giảm lại thành lâm râm. Trời u ám lắm. 

Hên là hôm qua đã trồng các cành giâm ra chậu nên có thời gian để thực hiện sớm lời hứa ở bài 214. GIÂM CÀNH HOA ĐỖ QUYÊN. Đây là cách giâm cành không dùng chất kích rễ dù là hóa chất hay tự làm từ thảo mộc.

1/ Các cành Đỗ Quyên được giâm trong chai chứa nước hứng từ vòi nước sinh hoạt. Cứ thấy nước rút xuống là châm thêm.

Chai này có 3 cành giâm. Miệng chai hẹp nên rễ của các cành bết vào nhau, phải gỡ từ từ mới tách ra được.

Hình bên dưới là đã tách rời 3 cành giâm rời ra. 

Rễ mọc ra không đều. Các rễ mọc ở vị trí mọc lá. Có cành không có rễ.

Cành ở giữa có vẻ ngập sâu trong nước nên chỗ nào là nơi mọc lá là nó mọc rễ. Vì vậy phải chọn chậu có chiều sâu phải che kín bộ rễ của nó.

Chậu này là cành sát bên con dao. Do khoảng có mọc rễ hơi dài nên tôi khoét đáy cái ly để đặt chồng lên cái chậu cho có độ sâu đủ che phủ bộ rễ.
Cành không có rễ tôi cắm vào khe giữa ly và chậu (nó bị khuất không trông thấy)

2/ Các cành này cũng giâm trong chai nước, cùng giâm 1 ngày với 3 chai có 3 cành ở hình bên trên nhưng chai nước để ở chỗ râm thiếu ánh sáng. Sau khi phát hiện chúng không có rễ nên đã thả vô chỗ khác (hủ Yogurt 1l cũ). Nay chỉ có 2 nhánh ra rễ (nơi khoanh tròn đỏ)
Còn 2 mũi tên có dấu đỏ là chỗ tôi nghi là nụ bông vì nó to.
Tôi đã cắt bớt đoạn không thấy mắt lá để vừa  chậu.

Tôi trồng 2 cành 'nghi ngờ' có nụ bông vào chung (buộc cho chúng kề sát nhau luôn 😀).


ĐẤT TRỒNG:
Tôi pha tỉ lên 50-50 gồm đất trong sân vườn và đất dùng trồng cho Đỗ Quyên- Dành Dành- hoa Trà (Azalea- Gardenia- Camellia)
Phần tiếp xúc với rễ là đất trong sân vườn.

NƯỚC:
Tưới nước mưa. Tưới ướt đẫm và đặt chậu lên vĩ giữ nước để nước khoảng 1-2cm tùy theo phần rễ trong đất để trong giai đoạn mới trồng thì rễ không bị khô nhờ có nước ngấm qua đất.
Các cành giâm trong chai này đã lâu lắm mà không được thay nước nên nước đóng rong, rong bám vô rễ đen thui.

VỊ TRÍ ĐẶT CHẬU: Phải tùy giống cây.
Nếu cây chỉ thích hợp bóng râm 1 phần thì nơi để chậu chỉ nhận nắng sáng.
Nếu giống Đỗ Quyên thích ánh sáng toàn phần thì trong giai đoạn mới trồng ra chậu vẫn để nơi nhận sáng cho đến khi thấy cây cứng cáp mới dời chỗ.

GHI NHẬN:
/Cắt cành giâm: Cành Đỗ Quyên được giâm là cành có vỏ đã qua màu gỗ (tức là cành bánh tẻ). Vết cắt phải sát với nơi mọc lá, vì rễ chỉ mọc ở các nơi đó. Và tránh làm trầy xướt các nơi đã mọc lá để không ảnh hưởng đến việc mọc rễ.
// Nước: Có lẽ nên dùng nước mưa, vì nước mưa trung tính nên sẽ không gây ảnh hưởng đến độ pH. Tôi nghĩ như thế vì biết Đỗ Quyên thích acid nên đất có độ pH từ 4.5 đến 6 là thích hợp với Đỗ Quyên.
/// Nguyên nhân lá mất chất diệp lục: thắc mắc.
Dùng nước máy có phải là nguyên nhân làm lá bị bạc phết?
Các cành tôi giâm vẫn ở trong nước trong thời gian quá lâu. Đó có phải là nguyên nhân làm bạc lá?

Bạn ơi,

Tôi cũng mới tập tành trồng hoa Đỗ Quyên, mọi ghi nhận có thể phiến diện hay chưa thật đúng. Đây coi như sự chia sẻ việc trồng Đỗ Quyên với những bạn yêu thích trồng Đỗ Quyên để có thể chỉ dẫn thêm cho tôi.

====

239. CHUYỆN TRỒNG RAU NHÚT.

_ Mua RAU NHÚT ở chợ ÚC.


/ Đó là một ngày của tháng 2/2024, tại 1 tiệm tạp hóa ở khu shop người Việt ở Bankstown - Sydney.

- "nè lại đây chỉ cái này nè, RAU NHÚT sấy khô"

-- "Í! rau nhút sấy khô, không biết khi nấu còn mùi rau nhút không? 

-- "Í! 100gr giá 14 đồng. Gói nhỏ như vầy nấu đủ không?

- " kệ! cứ mua, không thử làm sao mà biết". Chồng tôi nói trong vui vẻ.

// Đó là Chủ nhật 03/3/2024, hai vợ chồng trông thấy RAU NHÚT tươi được bày bán ở shop sau mấy mươi năm sống trên đất Úc, với giá 24 đồng/kg

Khó mà tả lại cái cảm xúc của hai người già lúc ấy _mừng & vui & bồi hồi & thất vọng khi trông thấy RAU NHÚT.

Rau nhút được để trong thùng giấy, chỉ vén hờ nilon đủ để thấy đó là rau nhút. Cảm giác mừng bị nhường chỗ cho thất vọng bởi cái màu lá xám xịt dưới ánh đèn của shop, cái phao trắng phau bao quanh các đốt rau nhút đâu không thấy mà chỉ thấy một màu xỉn tựa như RAU NHÚT đó được trồng trong nước vô cùng bẩn.

- " thôi đừng mua em ơi, hổng dám ăn đâu"

Cái thất vọng đến đỗi không muốn chụp hình dù tôi là 'đứa' thấy gì cũng chụp hình.

Dù vậy tôi vẫn mua một ít với mục đích thử trồng RAU NHÚT trên đất Sydney . Mớ này mua 8 đồng.

Đi chợ về, việc đầu tiên là trồng rau nhút. 
- " tháng này trời bắt đầu lạnh, sợ trồng không sống"
Và quả đúng như anh xã nói. 7 chậu rau nhút được để đủ chỗ -ngoài sân, trong chỗ có lưới che, núp dưới lùm cây- đều lần lượt rụi sau khi cho tôi cảm giác hy vọng từng ngày và từng chậu. Bởi có 1 chậu vẫn lên tược mới nhưng rồi nó cũng 'ngủm'.

KẾT THÚC CÓ HẬU 

Hôm kia  nấu canh chua rau nhút.

Theo hướng dẫn:

> ngâm nước sôi trong 30 phút >> rửa lại nước lạnh >>> đem chế biến. 

Chỉ 100gr sấy khô mà được cả rổ. Phải nhiều RAU NHÚT lắm mới có được 100gr sấy khô. Chỉ nấu 1/2.

Ui da,  nấu rất lâu mà cọng rau nhút chẳng thấy mềm, cái mùi bốc theo hơi nước  tựa mùi thuốc nam, thoảng chút chút mùi rau nhút lúc ngâm đã thay đổi ngoạn mục khi nêm quế & ngò gai & rau om vào.  Ôi! Vui quá đã gặp lại mùi RAU NHÚT sau bao nhiêu năm nhớ.

Bữa cơm thật vui. Chồng luôn miệng khen canh ngon quá. (chuyện này hiếm lắm, hôm trước cũng khen canh khoai lăng nêm rau om.. dường như ông cụ chỉ khen những món ăn hồi đó, mà không phải chỉ ông xã mà cả tui đây cũng luôn cảm thấy ngon với những món ăn gắn liền với quê nhà.)

Hôm qua lại nấu canh chua với phần RAU NHÚT còn lại.

Bữa cơm vẫn điệp khúc của ngày trước, vẫn diễn lại tuồng ăn cơm húp xì xoạt miệng tía lia nói về rau nhút từ ký ức chìm sâu trong bộ nhớ. 

- "canh chua ngon quá"... "canh chua nêm với me thiệt ngon"... "mùi rau nhút vẫn không chìm trong mùi rau nêm canh chua" ..."Nhìn dĩa rau nêm nhà trồng sao mà vui quá.. nhớ... nhớ..."

 Hai ông bà già ăn canh chua RAU NHÚT trong mớ NHỚ.

ĐIỀU LẮNG ĐỌNG

Đó là cảm giác thất vọng nhưng thất vọng trong bùi ngùi.

Rau nhút 'xuất khẩu' - đã là xuất khẩu thì thường là có sự tuyển lựa và dĩ nhiên là lựa tốt để đem xuất khẩu. Vậy sao RAU NHÚT trước mắt khách hàng mới / khách hàng ở xứ xa thì lại XẤU HOẮC?

Tôi nghĩ Rau Nhút không bắt mắt là do bị đóng gói trong quá trình vận chuyển. Có lẽ sự xỉn màu của nó có thể do bị bao bịt kín + bị trùm trong tối khi mà Rau Nhút là loại rau cần ánh sáng mặt trời. Nếu đúng như vậy thì THƯƠNG LẮM người trồng và nhà sản xuất. Có cách nào cải tiến cho RAU NHÚT tới tay khách hàng tốt hơn? Không biết người bán lẻ ở đây có rỉ tai những nhận xét để nhà sản xuất cải tiến. Hay lại là cái lắc đầu không nhận lời nhập mặt hàng Rau Nhút sang xứ Úc này.





Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

238. CHUYỆN TRỒNG NHỊ ĐỘ MAI.

 Nhị Độ Mai. Tên khoa học là Ochna serrulata, thuộc họ Ochnaceae.

Trong sân nhà tôi có rất nhiều cây Nhị Độ Mai. Cứ mỗi chính vụ nở bông, dạo quanh sân ở góc nào cũng nghe mùi thơm. Mùi thơm ngọt & nhẹ, rất quyến rũ . Dưới gốc của nó biết bao là cây con. Chúng bị nhổ bỏ không thương tiếc. Và cũng bởi chúng tự mọc, tự nuôi và quanh năm gần như thấy bông nên cả nhà tôi chỉ có tôi là yêu chúng.

Trồng đám Nhị Độ Mai này bị người nhà, người quen cười quá chừng.

Người thì cười quá xá mỗi khi nghe ai 'chộ' để chêm vào tràng cười mấy câu "nhà có biết bao nhiêu cây Mai mà cứ lui cui trồng cây con, hổng biết bả sẽ trồng ở đâu nữa. Chắc muốn làm Mai gia trang.

Kẻ thì chộ " chời ơi coi kìa, cháu Trùm Sò, cái chậu có 40cents mà hổng dám bỏ tiền ra để ăn mót mấy cái đồ vứt bỏ"

Với ý định uốn & ép không cho lớn để làm bonsai nên tôi trồng chúng vào những chai nhựa, những vật gì cao và có đường kính càng nhỏ càng tốt, để cho bộ rể dù mọc dài ra nhưng chỉ bó gọn, sau này khi vào chậu bonsai chỉ cần bóc bỏ đất, rửa sạch đất quanh rễ rồi trồng vô chậu bonsai với phần trên của rễ nổi lên khỏi mặt đất. 

Chỉ mới nghe giải thích " trồng để làm bonsai"..."không phải hà tiện mà là cần chậu có hình như cái ông  để ép bộ rễ không chìa ra lung tung, để mơi mốt trồng vô chậu bonsai" là lại bị chộ tiếp:

- "chắc phải tới 'cóc mọc râu' mới thấy Nhị Độ Mai bonsai nở bông"

Hì hì... mong rằng 2 năm nữa 'cóc mọc râu', mai nở bông

Với chậu này, tôi tạm dùng ống nhựa cứng vì chưa tìm được ống nhựa dẽo có thể uốn cong theo ý để từng lúc uốn bộ rễ uốn éo.

Kệ, ai chộ thì chộ, tôi đây vẫn kiên nhẫn chăm sóc và chờ. 😋Tôi thích uốn cây đã lâu nhưng chưa có thời gian để làm. Tôi nghĩ, mua vui là chính, nuôi niềm hy vọng là một kế sách đuổi phiền muộn của tuổi già, chứ với tuổi của tôi thì thời gian được trồng trọt còn ít lắm. Và biết đâu trong đám con sẽ có đứa có cùng sở thích với mẹ thì tôi cũng còn để lại cho chúng chút niềm vui khi ngắm bonsai & ngắm bông nở... mà nhớ mẹ hiền 😅

DÀI DÒNG CHUYỆN CÁI TÊN GỌI CỦA CÂY MAI.

Ông Nội của tôi thì gọi là Nhị Độ Mai. 

Ông nói : "nó còn có tên khác là Mai Tứ Quý nhưng ông thích kêu là Nhị độ Mai vì chỉ là 1 bông nhưng nó có tới 2 lần nở _lần đầu cánh màu vàng, lần sau cánh màu đỏ".

Ông Ngoại thì gọi là Mai Tứ Quý. Ông nói "đó là giống mai đặc biệt, thường mấy cây bông chỉ nở 1 lần trong năm còn loại mai này nở 4 mùa. Vì vậy mà nó quý nên mới đặt tên cho nó là Mai Tứ Quý"

Riêng tôi, tôi thích loại mai chỉ trổ bông vào dịp Tết hơn là Nhị Độ Mai, nhưng lại thích uốn cây Nhị Độ Mai làm bonsai. Có lẽ do chịu ảnh hưởng của ông Ngoại _nhà ông Ngoại trồng nhiều cây cắt tỉa uốn hình. Với Mai Chiếu thủy thì ông trồng ngoài đất dọc theo lối đi vào nhà.Với loại cây gì có bông nhỏ rức màu trắng thì trồng trong chậu, uốn hình con nai. Còn vài loại khác thì cắt tán tròn, vuông.

Quý bạn có cùng sở thích như tôi không?

Rất mong quý bạn chỉ dẫn thêm về cách trồng Nhị Độ Mai. Cám ơn nhiều lắm.

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

237. MÙA SEN NGỦ.

Cần chăm sóc Sen ra sao vào 'mùa Sen ngủ'?

Trồng Sen gần 10 năm nhưng câu trả lời của tôi thật kém tự tin. Dù vậy vẫn ghi những gì tôi biết ở đây để nhớ và để kiểm chứng đúng và sai trong việc chăm sóc Sen trong mùa Thu & Đông. (ghi chép này có thể đúng và cũng có thể có vài điều chỉnh nhỏ trong thời gian tới)

Cây Sen có vòng đời không dài, _ đầu tháng 9 ở đây là mùa Xuân, Sen bắt đầu vòng đời cho mùa mới. Tháng 11 ở đây là tháng cuối của mùa Xuân Sen bắt đầu nở lai rai và tiếp tục cho đến tháng cuối của mùa Hạ.* Mùa Thu, lá vàng dần và rụi hết vào mùa Đông, người ta gọi đó là mùa Sen ngủ. _ Cứ như thế vòng đời của Sen có thể tiếp tục tồn tại và phát triển tốt nếu được chăm sóc đúng.

*bông nở sớm trễ tùy theo loại. Tôi có 3 màu sen _Sen trắng thấp, lá nhỏ & Sen hồng cao, lá to nở bông tháng 11 hoặc 12; Sen vàng nở bông rất trễ.

Đây là bông Sen sau cùng của mùa 2024

(bên trái là Sen trắng nở sớm hơn Sen hồng nên chỉ còn gương sen. bên phải là Sen vàng, mùa này không có bông.)


Ghi chép này ghi lại việc chăm sóc Sen trong chậu vào mùa Sen ngủ / dormant time.

1/ Nước: 

-giảm tưới nước. 

-chỉ châm nước cho chậu sen khi thấy mặt đất của chậu khô dần để giữ độ ẩm của đất.

-giữ đất ẩm nhưng không để úng nước _không để đất khô hoàn toàn.

Chậu Sen này trồng lâu lắm nhưng lúc đó chưa có thời gian trồng lại, cứ thêm đất mỗi đầu mùa Xuân. Định bỏ nên bỏ thí không châm nước. Nhờ vậy mới biết là dù thấy mặt đất nứt nẻ nhưng đầu mùa mới thì lá Sen đã nhú lên. Điều đó cho ghi nhận là dù bề mặt của đất khô nhưng đáy chậu vẫn ẩm nên các ngó sen vẫn không bị ảnh hưởng.

Sen chịu được thời tiết lạnh trong thời gian ngủ đông. Vùng tôi ở mùa Đông lạnh nhất là 4 độ C. Chỉ vài ngày là 2 độ C, Sen vẫn lên mầm mới vào đầu mùa Xuân _tháng 9.

2/ Phân bón: ngưng bón phân.

Vì cây Sen gần như ngưng phát triển trong thời tiết lạnh. Tốc độ tăng trưởng của Sen gần như ngưng lại vào giữa mùa Thu (cuối tháng 3 ở đây) _ lá Sen vàng và khô dần, không thấy mầm lá nào xuất hiện. 

Vào mùa Đông, Nếu không được cắt tỉa thì những chiếc lá khô này cũng sẽ dần dần ngã nằm trên mặt nước. Đó là thời điểm tốc độ sinh trưởng chậm lại rất đáng kể, bởi hệ thống rễ ở mỗi đốt của thân Sen gần như ngưng hoạt động (teo tóp và đen), vì vậy Sen cần ít nước và ít chất dinh dưỡng.

Tưới quá nhiều nước vào mùa Sen ngủ có thể dẫn đến nám và có thể gây thúi các ngó Sen.

hình này cho thấy vào tháng lạnh thì rễ sen không phát triển & trụi lủi. thân củ.

 Sen bị nám dù chỉ mới 3 năm chưa trồng lại.

Đang tháng 7, giữa mùa Đông ở đây.

Đám củ Sen này chỉ bị ngâm nước có 2 mùa Đông, mùa thứ 3 thì chậu bị nứt nên dù châm nước mỗi ngày nhưng đất luôn khô bởi bị đặt ở chỗ nhận trọn ánh nắng chiều. Có lẽ nhờ vậy mà củ không bị nám và không bị thúi.

So sánh 2 hình củ Sen chụp cùng thời điểm sẽ thấy sự khác biệt của bộ rễ bám quanh từng đốt và mức độ bị nám của các củ Sen.

*****

Mùa 2024 này tôi thử không châm nước cho các chậu Sen để kiểm nghiệm nhận xét của mình.

Tôi sẽ ghi nhận tiếp. Mong rằng sẽ không phải xóa những ghi nhận vừa ghi.


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...